THÓI QUEN #4: THẤU HIỂU ĐỂ ĐƯỢC HIỂU

The 7 Habits of Highly Effective People – Stephen R. Covey
TƯ DUY – HỆ ĐIỀU HÀNH CỦA CON NGƯỜI (7)

Bạn có lẽ ngạc nhiên khi nhận ra trong bốn kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) bạn cũng như tôi và tất cả mọi người đều được cha mẹ và người thân dạy nói trước, rồi đến trường được dạy đọc và viết. Chúng ta bỏ rất nhiều năm để học nói, đọc, và viết. Thế bạn có bao giờ được dạy hay học NGHE chưa!???

Có lẽ vì thế mà đa số chúng ta khi trao đổi hay tranh luận vấn đề gì đều muốn nói hơn là nghe, muốn trình bày quan điểm của mình trước, muốn được hiểu trước. Do đó đôi khi chúng ta hoàn toàn không quan tâm đến quan điểm của người đối diện. Nếu có nghe thì hoặc là giả đò, hay chỉ nghe một phần với mục đích để trả lời/phản biện hay minh chứng cho quan điểm của mình, hay chỉ tập trung vào từ ngữ của câu nói mà không hoàn toàn hiểu hết ý của câu chuyện. Và đấy là điểm mù trong tư duy của con người "Chúng ta chỉ nghe những gì muốn nghe và thấy những gì muốn thấy."

Trong 7 thói quen của người thành đạt do tác giả Stephen Covey, thì 3 thói quen đầu 1) Tính chủ động; 2) Bắt đầu với chủ đích; 3) Việc quan trọng nhất làm trước dùng để rèn luyện bản thân. Các thói quen còn lại giúp bạn thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ trong cuộc sống của mình và trong đó thói quen ‘Thấu hiểu để được hiểu’ tôi cho là quan trọng nhất vì nó làm nền tảng để có một gia đình hạnh phúc, một tổ chức thân thiện, và một xã hội văn minh.

Thói quen "Thấu hiểu để được hiểu’ dạy cho chúng ta cách lắng nghe. Trong tâm lý học, giao tiếp giữa con người thì 10% qua lời nói, 30% qua âm thanh, và 60% qua ngôn ngữ không lời (non-verbal, body language). Do đó để thấu hiểu bạn cần nghe với cái tâm cởi mở, với cái nhìn khoan dung không vội đánh giá con người hay sự việc, với tấm lòng vị tha đồng cảm, với tinh thần muốn học hỏi, muốn thấu hiểu từ quan điểm, vị trí và hoàn cảnh của người đối diện. Thấu hiểu ở đây không đồng nghĩa với đồng thuận. Nhiều mâu thuẫn giữa vợ/chồng, cha mẹ với con cái, với đồng nghiệp và cả với đối tác trong công việc có thể được giải tỏa khi chúng ta làm được điều này.

Nhưng muốn làm được điều này thì điều trước tiên bạn hãy tạm gác cái ‘Tôi’ của mình qua một bên vì cái Tôi muốn mình nói trước, muốn được hiểu trước, và muốn chứng minh mình đúng trong mọi tranh luận. Sau đó lắng nghe với cả mắt và tâm trong một tâm thế trung dung và cố đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của người ấy. Nhưng vì điểm mù trong tư duy như nói trên do đó sau khi nghe bạn có thể kiểm chứng độ hiểu biết của mình bằng cách trình bày lại quan điểm của người kia theo cảm nhận của bạn. Như thế bạn còn tạo nên cảm xúc được tôn trọng ở người đối diện và giúp giải tỏa phần nào ác cảm nếu có trong mâu thuẫn. Và một điều chắc chắn vì bạn không vội nói trước nên xác suất ‘lỡ lời’ để rồi hối tiếc ít xảy ra hơn.

Trong kỹ nguyên 4.0 quan hệ giữa con người càng trở nên quan trọng khi nó bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của quan hệ mới giữa con người và robots. Thói quen "Thấu hiểu để được hiểu" sẽ giúp nâng cao chỉ số trí tuệ cảm xúc và sẽ trở thành chìa khóa cho thành công trong tương lai. Ngoài ra thói quen này chính là khẩu quyết (nói như trong phim kiếm hiệp vậy) cho tư duy mở (Growth mindset) và việc học hỏi suốt đời. Vì sao? Rất đơn giản khi bạn lắng nghe trong tâm thế để thấu hiểu điều này đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận nhận thức của mình có thể chưa hoàn chỉnh (không như trong fixed mindset) và sẳn sàng học hỏi điều mới. Đó không phải là tư duy mở và qui trình học suốt đời sao!?

Ngẫm ra: Khi cố hiểu người thì ta càng hiểu ta!

Nguyện Thành (02-02-2018)

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top