Trong khuôn khổ của tư duy khan hiếm và tư duy dư thừa, Stephen R. Covey phân tích tất cả bài báo nghiên cứu về chủ đề ‘thành công’ xuất bản ở Mỹ từ 1776 và đúc kết được một điều đó là những người thành công thường chia sẻ chung bảy thói quen mà họ tích lũy được trong kinh nghiệm sống và bạn có thể học được những thói quen này (The 7 habits of highly effective people by Stephen R. Covey).

Tuy nhiên để hình thành được thói quen mới, điều trước tiên bạn cần phải thay đổi tư duy và từ đó thay đổi nhận định và hành động, và lập lại hành động ấy nhiều lần cho đến khi nó trở thành quán tính. Thí dụ nếu bạn nhận định ly nước nửa đầy (từ ly không) thì cảm xúc khác hơn khi bạn nhận định ly nửa lưng (từ ly đầy). Đứng trước thử thách bạn có thể cho đây là cơ hội để thể hiện bản thân thì tâm thế vui vẻ hơn nếu bạn cho nó là vấn đề có thể dẩn đến thất bại và cảm thấy lo lắng.

Do đó thay đổi góc nhìn (paradigm shift) sẽ giúp bạn thay đổi nhận thức về thế giới xung quanh bạn.
Nếu muốn thay đổi những gì xảy ra xung quanh thì bạn phải thay đổi những gì xảy ra bên trong bạn trước. Đó chính là mục tiêu của 7 thói quen này. Ba thói quen đầu là thay đổi chính bản thân mình rồi sau đó mới đến ba thói quen giúp bạn tương tác tốt hơn với xã hội và thói quen cuối cùng là trao dồi kiến thức thường xuyên.

Thói quen 1: Tính chủ động (Proactive)



Con người thường phản ứng theo bản năng khi bị tác động bởi sự kiện bên ngoài. Ví dụ khi bị nghi oan bạn có thể phản ứng bằng cách nổi giận và lớn tiếng. Bạn có thể cho đấy là tính cách trời cho của bạn, hoặc di truyền từ cha mẹ, v.v. Nhà tâm lý học Victor Frankl (Man’s Search for Meaning) lúc còn là tù nhân của Đức quốc xã trong thế chiến thứ II khi đứng trước hoàn cảnh sống không thể nào tồi tệ hơn ông nhận thức được ‘Giữa tác động bên ngoài và phản ứng là một khoảng trống. Trong khoảng trống ấy là quyền lựa chọn cách phản ứng của chúng ta.’ Đó là sự khác biệt giữa con người với ‘quyền lựa chọn cách phản ứng’ và súc vật với phản ứng theo bản năng. Với ví dụ trên bạn có thể chọn cách không tức giận, không cần lớn tiếng và tìm cách giải oan nếu điều ấy quan trọng.

Tính chủ động ở đây là chủ động trong lựa chọn cách phản ứng trước những tác động bên ngoài. Theo Frankl, tất cả mọi thứ có thể tước đi từ con người trừ một thứ duy nhất đó là đó là quyền tự do cuối cùng của con người – quyền chọn lựa thái độ phản ứng khi đứng trước một hoàn cảnh nào đó.

Có rất nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Trong đó có nhiều thứ chúng ta không quan tâm và không màng để ý đến. Cũng có nhiều sự kiện mà chúng ta quan tâm và do đó có tác động đến cảm xúc và đưa đến phản ứng của chúng ta. Một số nhỏ trong những quan tâm đó chúng ta có thể góp phần thay đổi theo chiều tích cực.

Từ quyền lựa chọn thái độ khi đứng trước bất kỳ hoàn cảnh nào, bài học thói quen ‘Tính chủ động’ này khuyên chúng ta nên tập trung thời gian và công sức vào những sự kiện nằm trong tầm kiểm soát mà chúng ta có thể góp sức thay đổi và không nên tốn công sức quan tâm và phản ứng với những sự kiện mà bản thân không kiểm soát được và biết không thay đổi gì được.

Bài học này giống với triết lý sống mà ông Nội từng dạy tôi và nó cũng giúp ông sống trên trăm tuổi -- ‘Thay đổi những gì có thể. Chấp nhận những gì không thể. Và kiến thức sẽ giúp phân biệt điều có thể và không thể.’

Chúng ta thường phản ứng giận dữ trước những đối xử không tốt từ người khác nhất là từ người thân hay bạn bè. Bài học từ thói quen này giúp chúng ta hiểu rằng:

* Bạn không thể thay đổi người khác nghĩ gì về bạn, đừng phí công sức. Cứ sống vui vẻ và hạnh phúc nếu bạn cho điều ấy là đúng. – vô danh
* Bạn không thể thay đổi cách người khác đối xử với bạn hay nói gì về bạn. Tất cả những gì bạn có thể làm là thay đổi cách bạn phản ứng với nó. – Gandhi
* Người khác nghĩ gì về bạn không quan trọng. Điều quan trọng là bạn nghĩ gì về chính mình.

Tuy bạn có toàn quyền lựa chọn thái độ ứng xử trước mọi hoàn cảnh, nhưng bạn không thể lựa chọn kết quả của sự lựa chọn ấy vì nó tùy thuộc vào qui luật của thiên nhiên và không ai đoán trước được tương lai. Do đó khi bạn thể hiện tính chủ động thì kết quả không như mong muốn (sai lầm) có thể xảy ra và là chuyện bình thường. Người có tính chủ động chấp nhận sai lầm nhanh chóng khi nhận thức ra được điều đó, học hỏi từ nó, và sửa đổi kịp thời. Cũng vì thế người có thói quen chủ động thường không đỗ thừa vào hoàn cảnh hay người khác cho hậu quả sai lầm từ phản ứng (hành động) của mình.

Để tập cho mình có thói quen chủ động, bạn có thể lưu ý đến những phản ứng hay suy nghĩ của mình trước các sự kiện xảy ra và thay đổi cách nhìn.

Thí dụ:
Phản ứng cách bị động -->  Phản ứng cách chủ động

Tôi không còn cách nào khác -->  Còn nước còn tát. Cố tìm cách khác thử xem.
Tính tôi là thế -->  Tôi có thể chọn phương án khác
Tôi không thể đến lớp --> Tôi quyết định đi chơi với người yêu thay vì đến lớp
Tôi phải …. -->  Tôi chọn ….
Tôi không thể … -->  Tôi chọn không làm …. vì ….
Thay vì phê bình hay phán xét --> Hãy tiếp tay và đồng hành
Trở thành một phần của vấn đề --> Đóng góp vào tìm giải pháp

Xin chia sẻ với các bạn một trường hợp cá nhân. Từ văn phòng ở Đại học Hoa Sen ở Q. 1 về đến căn hộ của tôi ở Q. 3 cách khoảng 2 km. Chiều từ 5-7 PM nếu lấy taxi thì mất khoảng 30 phút trở lên vì kẹt xe kinh khủng từ Q1 đến Q3. Thay vì ngồi taxi than phiền với tài xế về nạn kẹt xe (việc tôi không thể kiểm soát và thay đổi được), tôi chọn đi bộ từ trường về nhà. Trung bình đi bộ mất khoảng 20 phút, được tập thể dục (tuy nhiên không khí thì không tốt lắm !!!) và thưởng thức những hoạt động của người dân trong công viên như khiêu vũ, thể thao đủ loại, v.v. và cảm thấy cuộc sống ở Saigon thú vị.

Chúc bạn thành công trong việc tập cho mình có thói quen chủ động. Bài tiếp theo sẽ nói về thói quen thứ 2 ‘Begin with the End in mind’ (Bắt đầu khi đã có chủ đích).

Chuỗi bài viết TƯ DUY – HỆ ĐIỀU HÀNH CỦA CON NGƯỜI của tác giả Trương Nguyện Thành:
  1. Phần 1: Tư duy là gì?
  2. Phần 2: Những bản chất của tư duy
  3. Phần 3: Phân loại tư duy khan hiếm với tư duy dư thừa
  4. Phần 4: Tính chủ động
  5. Phần 5: Bắt đầu với Chủ Đích
  6. Phần 6: Ưu tiên điều quan trọng
  7. Phần 7: Thấu hiểu để được hiểu

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top