Bạn có bao giờ tự hỏi ‘Tại sao có người thông minh như thế mà cuộc sống của họ không mấy thành công như ý muốn?’. Có lần tôi đi dự hội nghị ở Boston. Ngồi trong Taxi từ phi trường về khách sạn ở trung tâm thành phố, anh tài xế bắt chuyện ‘Tôi đoán anh đi dự hội nghị Hóa học vì hôm nay tôi đã chở vài khách từ phi trường như thế.’ Tôi trả lời: ‘Vâng’. Thế là anh ta bắt đầu câu chuyện đời mình từ việc anh ta có IQ cao ngất ngưỡng (trên 99%), là thành viên của Mensa (hội những người có IQ trên 98% độ phân bổ), v.v. Tôi hơi mệt nên hỏi anh một câu ‘Nếu anh thông minh như thế thì tại sao lại đi lái Taxi? Nó không dùng tí nào độ thông minh xuất chúng của anh.’ Anh ta trả lời ‘Tại vì xã hội toàn là những đám ngu dốt không hiểu tôi nói cái gì đấy thôi.’ Tôi hiểu tại sao anh ta lái Taxi và rất nhiều nghiên cứu khoa học về phát triển con người (một hướng của tâm lý học) đã kết luận tư duy chứ không phải độ thông minh (chỉ số IQ) là yếu tố quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống của một người.


Tư duy là cách suy nghĩ hình thành từ những tin tưởng và nhận định mà từ đó có cái nhìn cuộc sống, thể hiện tính cách, thái độ và hành động của một người trước các diễn biến của môi trường chung quanh. Nói một cách dể hiểu tư duy là hệ điều hành của não bộ con người. Vậy tư duy được hình thành như thế nào?

Trước hết, là yếu tố ngẫu nhiên như di truyền. Trong văn hóa Việt Nam có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tánh”. Điều này có nghĩa tính cách của một người là phước đức trời ban và là một điều ngẫu nhiên không kiểm soát được. Bậc làm cha mẹ thường hay dùng câu này để lý giải cho những hành vi và tính cách không như mong muốn của con mình. Nếu đứng ở góc độ khoa học mà nói, đây là một nhận định phản khoa học và không thể kiểm chứng được. Điều chứng minh được đó là tư duy của một người ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sống và những quan hệ thân thiết nơi người đó lớn lên.

Thế tư duy của một người có bị ảnh hưởng bởi gene của cha mẹ mình không? Đây là điều mà tôi hiểu vẫn còn nhiều nghi vấn trong nghiên cứu về tâm lý học.[1] Tuy nhiên điều khá rõ là khả năng của một người như: trí thông minh, nghệ thuật… có tính di truyền, nhưng thành công của một người thì phần lớn lệ thuộc vào tư duy có thể đào tạo được chứ không chỉ ở khả năng (cuộc đua giữa con thỏ và con rùa).

Yếu tố ngẫu nhiên thứ hai đó là tử vi. Khi bạn sinh ra, ngày và giờ sinh định đoạt số mệnh cả cuộc đời của bạn về mọi khía cạnh, giàu hay nghèo, vinh quang hay vô danh, khỏe mạnh hay đau ốm, có hạnh phúc gia đình hay không, v.v. Năm ‘tốt’ thì đua nhau có con. Đầu năm thì đi chấm tử vi. Nếu thầy bói nói làm điều đó sẽ thất bại thì sẽ không làm. Thậm chí có người quyết định không lấy người yêu chỉ vì tuổi xung khắc. Khi làm một việc gì thất bại thì nêu ‘Muôn sự tại nhân thành sự tại thiên’. Không chỉ người Á đông tin vào tử vi mà hầu như dân tộc nào cũng có bói toán. Có nhiều thí nghiệm [2] đã được thiết kế để chứng minh độ chính xác của tử vi trong đó Carson’s double-blind tests được xuất bản trên tạp chí nổi tiếng Nature kết luận tử vi chỉ đoán mò.[3] Nhưng nếu tử vi có sai thì có lập luận ‘Đức năng thắng số’. Điều này nói rằng tư duy (ảnh hưởng đức năng) là yếu tố quyết định về cuộc sống chứ không phải tử vi.

Vậy tư duy của bạn hình thành từ đâu? Rất khó để bạn có thể nhớ hết những ký ức tuổi thơ của mình, nhưng bạn có thể quan sát cách cha mẹ, người thân, thầy cô, và người giữ trẻ tương tác với các bé từ 2-5 tuổi. Những đứa bé ở Việt Nam thường bị bao trùm bởi những lời cảnh báo, cấm đoán, nguyên tắc đúng sai hơn là những lời khuyến khích khám phá bản thân, cũng như khi đối diện với thử thách. Khi đứa trẻ bắt đầu đi học thì gia đình, trường học và xã hội giúp bé hình thành tư duy của mình. Lúc ấy, đứa trẻ bắt đầu hình thành những tin tưởng, khả năng của cá nhân cũng như so sánh với người khác và quan trọng hơn là những nhận định về thành công và thất bại, an toàn và thử thách, thắng và thua, thương và ghét, tốt và xấu…Những tin tưởng và nhận định này hình thành hệ điều hành cho não bộ và quyết định hành vi hay phản ứng của con người trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Những tin tưởng và nhận định này nếu không gì thay đổi thì nó hình thành tư duy của người đó đến suốt đời. Nó như một hệ điều hành của một máy tính.

Có nhiều loại tư duy và cũng có một số cách xếp loại khác nhau, tuy nhiên cách đơn giản nhất cũng được nhiều đồng thuận nhất hình thành từ hơn 20 năm nghiên cứu của Carol Dweck, GS Tâm lý học của Đại học Stanford xuất bản trong cuốn ‘Mindset: The New Psychology of Success, (2006)’. Bà Dweck nhận định tư duy của con người có thể chia làm hai loại: fixed mindset (tạm dịch là tư duy cố định) và growth mindset (tư duy mở). Bạn có thể làm bài test nhỏ sau đây nhé.

Bạn nghĩ gì về trí thông minh của bạn.

1. Trí thông minh của tôi là do (trời cho hay cha mẹ sinh ra) không thể thay đổi được.
2. Tôi có thể học hỏi kiến thức mới nhưng không thể thay đổi trí thông minh của tôi.
3. Không cần biết sinh ra tôi thông minh như thế nào tôi lúc nào cũng có thể học hỏi để thông minh hơn.
4. Tôi có khả năng thay đổi mức độ thông minh của mình.

Nếu bạn chọn 1 hay 2 thì bạn có tư duy cố định còn 3 hay 4 thì có tư duy mở. Theo nghiên cứu của Dweck thì đa số chọn một trong hai nhóm đó chứ ít khi ở giữa. Người có tư duy cố định hay tư duy mở thì thường có cuộc sống như thế nào?

Vậy chúng ta có thể thay đổi tư duy của mình được không? Câu trả lời là CÓ THỂ. Để chứng minh điều này, bạn có thể tìm thấy ở những người mà trong quá khứ họ trải qua một sự kiện lớn ảnh hưởng đến cuộc đời của họ: Sống lại sau một tai nạn, đứng dậy sau một thất bại lớn, vượt qua được một khủng hoảng lớn trong cuộc sống… Họ giống như một máy tính sau khi bị disc-crash trầm trọng và vừa được nâng cấp với một hệ điều hành mới.

Thế bạn có muốn nâng cấp hệ điều hành của mình không? Hãy chờ đón xem bài viết tiếp theo nhé.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top