Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế tiếp tục là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Cả Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đều chỉ đến được với đông đảo khán giả sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987. Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức và được nhiều đài truyền hình mua bản quyền để phát lại. Cho đến nay đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Nội dung

Chuyện tử tế mở đầu bằng hình ảnh của đạo diễn Trần Văn Thủy cùng các nhà làm phim thắp hương trước ngôi mộ của một đồng nghiệp của họ là nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết nhân ngày giỗ đầu của anh. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Đồng Xuân Thuyết đã đề nghị các bạn của mình thực hiện một bộ phim tài liệu thực sự có ý nghĩa về tình thương yêu giữa con người và con người hoặc xuất phát từ nỗi đau nhân thế, anh cũng đọc cho các bạn nghe một đoạn trích về tâm hồn con người trong tiểu thuyết Xô viết Quy luật của muôn đời. Tiếp đó, bộ phim xoay quanh câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Đạo diễn tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau. Từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong, một căn bệnh khiến họ bị cả xã hội xa lánh. Qua chuyến đi tìm câu trả lời ấy, Trần Văn Thủy đã bộc lộ sự trăn trở trước cuộc sống khó khăn và thiếu đi sự tử tế giữa con người và con người. Bộ phim chứa đựng rất nhiều cảnh đời của những người nghèo khổ ở đáy xã hội, từ một cậu bé chăn vịt vì lỡ để đàn vịt phá ruộng hợp tác để rồi phải mang lý lịch xấu tới một giáo viên dạy Toán giỏi phải đi bán rau kiếm sống hay những cựu chiến binh từng chiến đấu dũng cảm nay phải đi đạp xích lô hay làm nghề sửa xe đạp. Chuyện tử tế kết thúc bằng hình ảnh đám tang của Đồng Xuân Thuyết và những lời tâm sự của anh về lòng ham muốn được tiếp tục sống để chứng kiến bộ phim hoàn thành.

Một số quan điểm về tử tế trong phim

Vậy tử tế là gì ? Một bô lão giảng giải: "Tử tế, các đồng chí làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời".

Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...

Sản xuất

Năm 1982 Trần Văn Thủy cho ra đời bộ phim tài liệu mượn chuyện xưa để nói chuyện nay có tên Hà Nội trong mắt ai. Nội dung phản ánh chân thực cuộc sống thời bao cấp khó khăn và những suy nghĩ sâu sắc của Trần Văn Thủy về xã hội đã khiến bộ phim bị cấm chiếu ngay khi chiếu duyệt lần đầu tiên.[1] Bộ phim bị cấm chiếu này đã khiến Trần Văn Thủy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc, thậm chí nhiều bạn bè đồng nghiệp còn tưởng ông chuẩn bị bắt giam.[2] Bất chấp những khó khăn gặp phải, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn tiếp tục làm bộ phim tài liệu tiếp theo của mình với tựa đề Chuyện tử tế vào năm 1985, đây được coi là phần 2 của Hà Nội trong mắt ai.[3] Đạo diễn phải thực hiện bộ phim này trong điều kiện hết sức thiếu thốn và khó khăn. Theo Trần Văn Thủy, ông làm Chuyện tử tế vì ông nghĩ con người phải biết sống tử tế với nhau, nhất là trong hoàn cảnh có rất nhiều người bất hạnh trên sự vô lý. Nhân vật xuất hiện ở đầu bộ phim, Đồng Xuân Thuyết, cũng giúp đỡ rất tích cực cho đạo diễn Trần Văn Thủy mặc dù anh đã mắc ung thư giai đoạn cuối, thậm chí trên giường bệnh anh còn thảo luận với Trần Văn Thủy về những góc máy quay cần thiết để thực hiện cảnh đám ma của chính mình[4]. Cái tên Chuyện tử tế của bộ phim được đạo diễn nghĩ ra sau khi ông hoàn thành vì nghĩ rằng tác phẩm của mình có khả năng sẽ bị cấm chiếu, và cái tên hơi "quái" của bộ phim sẽ khiến cơ quan duyệt phim phải cấm một "chuyện tử tế".[5]

Cũng như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế sau khi ra đời đã không thể đến với công chúng. Tới tháng 10 năm 1987, đạo diễn Trần Văn Thủy được gặp riêng ông Nguyễn Văn Linh, trong cuộc gặp này Tổng bí thư đã tỏ ý ủng hộ Hà Nội trong mắt ai và đề nghị Trần Văn Thủy làm ngay phần tiếp theo của phim. Nhờ vậy cả Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế được cùng công chiếu vào năm này.[5] Do trong cuộc gặp với Tổng bí thư, Trần Văn Thủy được ông Nguyễn Văn Linh đề nghị là làm tiếp Hà Nội trong mắt ai Tập 2 nên Trần Văn Thủy đã nảy ra ý tưởng rằng Chuyện tử tế sẽ chính là tập thứ hai đó, vì vậy tiêu đề của phim, Chuyện tử tế, luôn đi kèm với chữ Tập 2 trong khi bộ phim chỉ có một tập duy nhất.[6]

Đánh giá

Chuyện tử tế được nhiều người coi là tác phẩm thành công nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy.[7] Tháng 11 năm 1988 ông được cử đi dự Liên hoan phim Quốc tế Leipzig ở Cộng hòa Dân chủ Đức theo thư mời, tuy nhiên họ lại cấm ông mang theo bản phim Chuyện tử tế đi tranh giải. Cuối cùng bằng quan hệ riêng Trần Văn Thủy đã tìm cách để Chuyện tử tế được chiếu ở Leipzig, bộ phim đã gây tiếng vang rất lớn và được trao giải Bồ câu bạc, giải thưởng lớn thứ hai của Liên hoan phim. Theo Trần Văn Thủy thì nếu Chuyện tử tế không giành giải thì có lẽ ông đã không dám quay trở về Việt Nam. Được một số báo chí quốc tế ví như "Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig" và đánh giá là một trong mười phim tài liệu hay nhất Thế giới,[8] Chuyện tử tế đã được nhiều đài truyền hình nước ngoài mua bản quyền để phát lại.[5] Sau khi được chiếu rộng rãi ở Việt Nam, Chuyện tử tế cùng Hà Nội trong mắt ai được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao, mang tính đột phá trong thể loại phim tài liệu Việt Nam và chứng tỏ sự dũng cảm tuyệt vời của những nhà làm phim trong việc phản ánh hiện thực xã hội và suy nghĩ của người dân.[9] Chuyện tử tế cũng góp phần làm thay đổi cách suy nghĩ của một số Việt kiều về hình ảnh đất nước nay đã có những thay đổi.[7]

Năm 2008 Chuyện tử tế đã được chọn chiếu tại Liên hoan phim Viennale, liên hoan phim hàng đầu của Áo trong chương trình vinh danh những nhân vật đặc biệt và lịch sử điện ảnh.[10] Theo các nhà tổ chức, bộ phim được chọn vì nó nổi tiếng và rất hợp với thời cuộc. Việc tìm kiếm bản phim để chiếu ở Viên đã diễn ra rất khó khăn vì bản phim nhựa gốc lưu giữ ở Việt Nam của bộ phim đã bị hỏng,[6] cuối cùng người ta đã phải sử dụng một bản DVD chất lượng tốt của bộ phim do một đạo diễn người Mỹ lưu giữ.[11] Năm 2009 Chuyện tử tế cũng được chọn chiếu tại Hà Nội trong loạt phim tiêu biểu của các cựu học viên người Việt Nam của Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga (VGIK).[12]

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top