The 7 Habits of Highly Effective People – Stephen R. Covey
Thói quen #2: Bắt đầu với Chủ Đích (Begin with the End in Mind)


Tác giả Stephen R. Covey dựa trên triết lý sống ‘Muốn thay đổi những gì xảy ra xung quanh thì bạn cần phải thay đổi những gì xảy ra bên trong bạn trước’ để đúc kết 7 thói quen của những người thành công. Thói quen #1 nói về tính chủ động. Bạn có toàn quyền lựa chọn thái độ ứng xử và hành động khi đứng trước bất kỳ hoàn cảnh nào, bài học thói quen ‘Tính chủ động’ khuyên bạn nên tập trung thời gian và công sức vào những sự kiện nằm trong tầm kiểm soát mà bạn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực và chấp nhận khả năng sai trái để sửa đổi kịp thời. Bài viết này sẽ tập trung vào thói quen thứ 2.
Thói quen #2: Bắt đầu chỉ khi nào đã có chủ đích
Tôi nhớ thời còn đi cày mướn, tay nghề của người thợ cày giỏi biểu hiện bằng những đường cày thẳng và xắp nếp đều đặn. Để làm được điều này thì đường cày đầu tiên cũng là đường khó nhất phải thẳng và chia thửa ruộng làm đôi. Thử thách và cũng là bản lãnh của người thợ cày là làm điều này với hai con trâu (hay bò) thường không đồng sức và không có đường kẻ trước. Sau khi đặt mủi cày ở giữa bên bờ ruộng bên này, bí quyết là ở chổ trong khi người thợ cày điều khiển cặp trâu con mắt họ không rời khỏi điểm giữa ở bờ ruộng bên kia - không nhìn xuống, không nhìn lại, và không dừng lại cho đến khi đến đích.
Tôi áp dụng kinh nghiệm cày này vào trong cuộc sống của mình vì cuộc sống của chúng ta cũng giống như đường cày đầu tiên không có đường kẻ trước và hàng ngày có nhiều thứ lôi kéo chúng ta đi những hướng khác nhau như đôi trâu vậy. Nếu chúng ta không có chủ đích trước thì rất dể để bị lôi kéo vào những công việc mà không biết tương lai nó sẽ đi về đâu.
Bài học thói quen ‘Bắt đầu với chủ đích’ dựa trên nguyên tắc ‘Vạn vật trong cuộc sống của con người được hình thành hai lần’ Lần đầu tiên trong tiềm thức và lần thứ hai mới trở thành hiện thực. Tại sao vậy? Chỉ khi nào điều bạn mong muốn nằm trong tiềm thức thì nó hình thành chủ đích và tạo nên động lực giúp bạn vượt qua các thử thách, thất bại, tập trung và xắp xếp các ưu tiên để hiện thực hóa nó và động lực ấy có một sức mạnh vô biên được gọi là niềm hy vọng.
Năm 1957, khoa học gia Curt Richter thực hiện một số thí nghiệm với chuột. Khi bỏ loại chuột nuôi và chuột hoang (nhưng cùng giống) vào bồn nước nhỏ và quan sát thời gian chúng bơi đến khi chìm. Nếu nói về sức khỏe thì các chuột hoang khỏe hơn chuột nuôi nhiều nên bạn cũng giống như nhiều người có thể đoán là các chuột hoang sẽ bơi lâu hơn, đúng không? Sự thật chuột nuôi có thể bơi được vài tiếng còn tất cả các chuột hoang đều chết trong vòng 15 phút! Điều gì xảy ra với các chú chuột hoang khi sức khỏe của chúng vượt xa các chú chuột nuôi? Ông ta thực hiện thí nghiệm khác với các chú chuột hoang. Lần này khi các chú chuột bắt đầu dừng bơi và chìm thì ông ta vớt lên để nó sống lại và hồi sức vài phút rồi bỏ trở lại trong bồn nước. Ông ta làm như vậy cho mỗi chú chuột hoang vài lần. Và lần cuối cùng không vớt lên thì thời gian các chú chuột hoang này có thể bơi đến vài chục giờ và thậm chí có thể lên đến 80 giờ. Sau vài lần được vớt lên không thể nào tăng lực cho các chú chuột hoang từ khả năng bơi trong 15 phút đến vài chục giờ. Vậy điều gì đã xảy ra với các chú chuột hoang trong trường hợp này? Ông Richter cho rằng chuột hoang chưa hề bị gò bó trong không gian nhỏ nên khi bị bỏ vào bồn nước nhỏ chúng vùng vẫy dử dội trong nước nhưng rồi nhanh chóng bỏ cuộc so với chuột nuôi. Nhưng quá trình chúng được vớt lên vài lần trước khi chết tạo cho chúng niềm hy vọng rằng sẽ được vớt. Niềm hy vọng ấy là động lực giúp chúng tiếp tục bơi và sức mạnh ấy từ tâm lý chứ không phải sinh lý. Từ ấy cho đến nay đã có một số nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của niềm hy vọng nhất là ở con người khi đối chọi với nan y.
Trong tất cả các mục đích cho các hoạt động thì mục đính của cuộc sống là kim chỉ nam giúp bạn biết mình đang ở đâu và chọn đúng hướng khi đứng trước những ngã rẻ trong cuộc sống của mình. Một số nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy những người có cảm nhận mục đính của cuộc sống thường sống lâu hơn, ít bệnh và hạnh phúc hơn. Vậy mục đính của cuộc sống của bạn là gì? Để giúp bạn xác định nó, bạn có thể trả lời năm câu hỏi sau:
1. Bạn là ai?
2. Bạn làm những công việc gì là chính?
3. Bạn làm điều đó cho ai?
4. Những người ấy cần và muốn gì?
5. Họ thay đổi như thế nào bởi những việc bạn làm?
Nếu sống vì bản thân (như tiền, vật chất hay quyền lực) thì bạn sẵn sàng đặt chuyện gia đình, những quan hệ quan trọng, và kể cả sức khỏe bản thân để tập trung đạt điều mình mong muốn. Sau khi đạt điều ấy thì bạn nhận thức ra cái giá của nó như tiền bạc hay quyền lực không mua được sức khỏe và niềm hạnh phúc. Đam mê của bạn thay đổi theo thời gian. Chỉ có những giá trị cốt lõi của bạn không thay đổi. Do đó nếu sống dựa trên những giá trị cốt lõi không đánh đổi ấy bạn sẽ tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc, sự đam mê, và yên bình.
Bạn hãy thử làm một thí nghiệm mà tác giả Covey đề nghị. Bạn tưởng tượng mình đang bước vào đám tang của một người thân. Khi bạn bước vào thấy các khuôn mặt quen thuộc, người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v. đến chia sẻ sự mất mát và niềm vinh hạnh được biết người đã khuất. Khi bạn nhìn vào quan tài thì bạn nhận ra người nằm trong quan tài không ai khác hơn là chính bạn. Đó là đám tang của bạn trong tương lai. Khi bạn nhìn vào chương trình thì thấy có bốn người đại diện cho bốn nhóm người sẽ phát biểu trong đám tang của bạn. Nhóm thứ nhất là những người trong gia đình. Nhóm thứ hai là những bạn bè thân thiết. Nhóm thứ ba là các đồng nghiệp và những quan hệ trong công việc. Nhóm thứ tư là những người trong các cộng động mà bạn từng đóng góp giúp đở hay làm thiện nguyện. Bạn muốn những người này nói gì về con người bạn về những đóng góp của bạn đã giúp thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.
Tôi đã làm bài thí nghiệm này gần hai mươi năm trước và nó đã giúp tôi xác định được điều gì quan trọng trong cuộc sống của mình và đó là có một cuộc sống ý nghĩa bằng cách gieo niềm hy vọng vào tương lai cho giới trẻ Việt Nam thông qua giáo dục.
Chúc bạn thành công trong việc xác định mục đích sống của mình và từ đó sống với chủ đích ấy.
You can achieve only what you dare to dream - Nguyện Thành

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top