Bạn muốn làm việc nhưng lại lướt internet. Bạn muốn ăn kiêng nhưng thay vào đó bạn ăn uống vô độ để có nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2. Tại sao?
Bạn có thể nghĩ rằng mình thiếu tự chủ hoặc bạn quyết định không tốt. Nhưng không có lời giải thích nào dường như làm bạn ngạc nhiên về những gì-bạn-nghĩ và những gì-bạn-làm thường xuyên không nhất quán với nhau (don’t live up).
Cái quái quỷ gì đang xảy ra trong não của bạn gây ra những sự không nhất quán? Đôi khi có cảm giác giống như bạn là 2 người, 3 người hoặc 24 người khác nhau như nhân vật Kevin trong bộ phim Split (2017).
Có một câu trả lời rất đơn giản: bạn là 24 người khác nhau, hoặc nhiều người khác nhau. Nhưng nhất định bạn không phải là một người như mình thường nghĩ. Nghe có vẻ điên rồ!
Phương Tây trong khoảng 20 năm nay với những tiến bộ khoa học như fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng), một phương pháp phổ biến để quét não, trong các thí nghiệm khoa học thần kinh và tâm lý học đã cho phép nghiên cứu não bộ và xác thực những khám phá của các bậc giác ngộ phương Đông như đức Phật từ 2500 trước bằng trực giác tâm linh đã phát hiện. Các nghiên cứu về thiền định và chánh niệm từ chỉ khoảng dưới 10 bài báo khoa học một năm vào những năm đầu thiên niên kỷ 21 thì đến nay có khoảng 1000 bài báo về chủ đề này (2015). Điều này chứng tỏ khoa học phương Tây về thần kinh và tâm lý đang có sự quan tâm đáng kể về những quan điểm và cách thực hành tâm linh của phương Đông.
Bằng phương pháp thiền định (meditation), ngồi yên không suy tưởng hoặc luôn chú ý, tỉnh thức (mindful) về những gì đang xảy ra ở hiện tại, nhiều người đang thực hành để xác thực một quan điểm ”vô ngã”, không hề có một cái “tôi” như thường kiến. Và khoa học thần kinh và tâm lý đang có những nghiên cứu và khẳng định đôi khi bạn không hành động như “tôi” nghĩ vì trong bản thân mình không có cái “tôi” duy nhất, nếu bạn chưa tiêu hóa được khái niệm của Phật giáo về “không tôi” (vô ngã).
Dường như những đề xuất tích cực gây bối rối này trả lời cho lý do tại sao bạn làm những việc ngu ngốc, trì hoãn, không hoàn thành những mục tiêu của mình và tại sao một số ngày dường như tất cả mọi người kể cả bạn đều là những kẻ đạo đức giả. Chúng ta “nhất quán một cách không nhất quán” (consistently inconsistent).
Dan Ariely, tác giả best-seller “Predictably Irrational” (Phi Lý trí) cho rằng:
“... các mô hình hành vi của con người cần được xem xét lại. Có lẽ không hề có kiểu như một con người toàn vẹn. Trên thực tế, chúng ta có thể là sự tổng hợp của nhiều nhân cách.”
(…our models of human behavior need to be rethought. Perhaps there is no such thing as a fully integrated human being. We may, in fact, be an agglomeration of multiple selves.)
Điều ta đang bàn ở đây là “lý thuyết thời thượng” (cutting edge theory) có tên là “modular mind”, một mô hình tâm trí trong đó có nhiều tâm khác nhau bên trong cơ thể, mỗi một tâm là “đơn thể” (modular) độc lập và kết hợp với nhau thành một tổng thế gây cảm giác một cái “tôi” như thường kiến. Tất nhiên, nó chẳng phải là một đột phá theo quan điểm Phật giáo nhưng có lẽ là một “Aha moment” với nhiều người có tinh thần duy lý phương Tây như đa số chúng ta.
Bộ não con người không được xây dựng từ trên xuống dưới (top to bottom) như một dự án đơn lẻ kiểu hãng phần mềm thiết kế nên một chương trình máy tính. Nó phát triển qua hàng triệu năm trong một cách thức cực kỳ lộn xộn. Các hệ thống khác nhau (hoặc "mô đun") được thiết kế để hướng dẫn bạn thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như tìm kiếm thức ăn, chiến đấu, sinh sản, v.v nhưng từ đó gây ra những vấn đề, phiền não.
Bộ não chưa bao giờ toàn vẹn (fully integrated). Các mô đun não bộ luôn cạnh tranh nhau để điều khiển con tàu não bộ. Tâm trí của chúng ta không được xem là một hệ điều hành đơn nhất, điều khiển đa nhiệm mà thực ra là một mớ các ứng dụng (apps), mỗi ứng dụng là một mô đun tâm trí khác nhau và chỉ được mở và hoạt động ở một thời điểm.
Tác giả cuốn sách bán chạy mới đây (New York Times Bestseller 08/2017) “Why Buddhism is True: The Science and Philosophy of Meditation and Enlightenment”, Robert Wright viết:
“Theo quan điểm này, tâm trí của bạn bao gồm nhiều mô đun chuyên biệt để phân loại các tình huống và phản ứng lại các tình huống này và sự tương tác giữa các mô đun này nhằm định hình hành vi của bạn. Nhiều tương tác này sẽ xảy ra mà bạn không nhận thức được. Mô hình “mô đun của tâm trí” (modular mind), mặc dù vẫn còn non trẻ và chưa hoàn thiện, có nhiều hứa hẹn. Đối với người mới bắt đầu, nó có ý nghĩa về mặt tiến hóa: tâm đã được xây dựng từng chút một, từng giai đoạn, và khi loài của chúng ta gặp phải những thách thức mới, các mô đun mới sẽ được thêm vào. Như chúng ta sẽ thấy, mô hình này cũng giúp hiểu được một số các xung đột lớn trong đời sống nội tâm, chẳng hạn như lừa gạt người phối ngẫu, dùng thuốc gây nghiện và ăn các loại bánh ngọt nhiều đường bột khác hay không.”
Bạn đang thực hiện ăn kiêng nhưng khi thấy bánh ngọt, “mô đun đói ăn” (hunger module) chiếm quyền điều khiển (hijack) và ra lệnh: “Thức ăn ngon, Ăn, ngay lập lức”. Hoặc bạn muốn dễ thương với mọi người nhưng trong một bối cảnh đặc biệt, “mô đun giận dữ” (anger module) chiếm quyền và nói những thứ tồi tệ có thể khiến bạn ân hận sau đó. Có những khi bạn say xỉn, cư xử tồi tệ khiến bạn rất ngượng, ăn năn và tự vấn: Có phải tôi không? Tôi đã làm gì đời tôi?
Bạn có lẽ không nên dùng từ “tôi” ở số ít, thay vào đó nên sử dụng một từ chính xác hơn “chúng tôi” để chỉ cái đang hiện hữu mà bạn tham chiếu là “tôi”.
Vấn đề là làm thế nào để bạn có thể ngăn chặn các mô đun kinh khủng chiếm quyền (hijack) bộ não của bạn? và nhất là để các mô đun phù hợp lãnh đạo con tàu của cuộc đời?
Để hiểu cơ chế này, Robert Wright cho rằng các tác nhân cảm xúc (emotional agents) tham gia tích cực vào các quyết định liệu mô đun nào sẽ chiếm quyền não bộ của chúng ta. Bạn thấy một cái bánh pizza và có thể cảm giác, cảm xúc đói, thèm kích thích và mô đun đói ăn được kích hoạt. Hoặc giả bạn thấy một mỹ nhân sexy ngang qua, mô đun khoái lạc được kích hoạt. Rất chán phải không bạn. Dĩ nhiên, chúng ta giả dối một cách sinh học! Gene được thiết kế khiến chúng ta không nhất quán với các hành vi của mình một cách đáng hổ thẹn, thưa các đồng chí bị lộ và chưa bị lộ.
Con người đã được thiết kế với nhiều mô đun khác nhau với các mục tiêu và thông tin khác nhau. Nhân chi sơ tính bản thiện hay bản ác? Cả hai. Một hình ảnh ẩn dụ về một thiên thần trên một vai và quỷ dữ bên vai kia mô tả chính xác những mô đun não bộ khác nhau trong bản thân cái gọi là “tôi”. Các mô đun cạnh tranh với nhau và chúng ta không ý thức được cho đến khi mô đun chiếm quyền điều khiển và gây ra những hối tiếc hay tự hào về sau.
Giáo sư tâm lý học của trường đại học Pennsylvania Robert Kurzban nói:
“Một số mô đun được thiết kế để mang lại lợi ích, một số khác được thiết kế để cho đi lợi ích, và chúng tồn tại trong cùng bộ não, đôi khi xung đột nhau. Tương tự như vậy, sự phân ly này đi kèm với câu hỏi liệu các hành vi cá nhân là thực sự vì lợi ích bản thân (self-interest). Có loại hành vi củng cố mục tiêu lợi ích, nhưng các mô-đun khác được thiết kế để xa rời các mục tiêu bản thân. Vì vậy, ý nghĩa của "lợi ích bản thân" dường như là một vấn đề bởi vì các mô đun khác nhau có thiết kế khác nhau, và do đó được xây dựng để mang lại những kết quả khác nhau.”
Xem tiếp phần 2 của chủ đề này tại đây
Theo FB Đào Trung Thành
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment