Chữ Dhamma (pháp) cũng có nghĩa là tự nhiên, hay sự thật hiển nhiên. Đó không phải là quy định do con người đặt ra. Trong tự nhiên chỉ có sự tương giao, trong xã hội mới có mối quan hệ. Mối quan hệ giữa con người do cộng đồng đặt ra tuỳ theo hoàn cảnh, phong tục tập quán ở mỗi địa phương. Vì vậy chúng chỉ là qui ước tương đối, nhưng trong cuộc sống nhiều khi chúng ta quá đặt nặng mối quan hệ, coi chúng là bất di bất dịch khiến chúng ta bị trói buộc vào đó. 

Sự tương giao luôn mang tính tự nhiên, mình có thể tương giao với vũ trụ bên ngoài qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thí dụ bỗng nhiên tai nghe được tiếng chim hót, mắt thấy ánh bình minh. Nhưng rồi bản ngã phát sinh lên, người này chọn bông hoa này, người kia chọn bông hoa kia nên bất đồng ý kiến với nhau. Vì bất đồng ý kiến, muốn sống chung thì phải thoả thuận với nhau, từ đó xuất hiện mối quan hệ. Mối quan hệ càng chằng chịt chừng nào thì chúng ta càng quên mất sự tương giao chừng ấy. Thực ra chúng ta luôn sống trong sự tương giao mà vô tình không cảm nhận được, ngược lại chỉ bận tâm đến mối quan hệ hữu ý, hữu hạn mà thôi. 

Các mối quan hệ chỉ là quy ước tạm thời và chúng luôn thay đổi theo vị trí và thời gian. Mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 19 khác với mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 20, mối quan hệ cha - con ở phương Tây khác với mối quan hệ cha - con ở phương Đông. Còn sự tương giao thì bất kỳ ở đâu cũng giống nhau. 

Trong sự tương giao, chúng ta thấy được sự vận chuyển bên trong và bên ngoài hoàn toàn tương ứng với nhau vô cùng chặt chẽ và không có giới hạn nào cả. Còn ở trong mối quan hệ thì con người lại bị cô lập. Khi thiết lập mối quan hệ, con người kỳ vọng sẽ kết nối được nhiều thứ hơn, nhưng thật ra sự kết hợp nào cũng tiềm ẩn sự đối nghịch. Đối nghịch về mặt cảm giác, cảm xúc, đối nghịch về sở tri, sở đắc, đối nghịch về quyền lợi v.v… Sự đối nghịch này khiến mỗi người trong mối quan hệ dần dần bị cô lập. Lúc đó sống với nhau chỉ dựa trên hợp đồng của mối quan hệ chứ không còn là sự tương giao tự nhiên vô điều kiện nữa. Rõ ràng chỉ có các cá nhân cô lập đang sống ràng buộc với nhau. 

Càng thiết lập nhiều mối quan hệ chừng nào, càng cô lập chính mình chừng đó. Phát hiện này nói ra có vẻ lạ lùng và phi lý nhưng sự thực xảy ra đúng như vậy. Đơn giản vì mối quan hệ nào cũng được thiết lập dựa trên một số điều kiện, mà càng đưa ra điều kiện nhiều chừng nào thì càng tự cô lập mình trong chính điều kiện đó chừng nấy, điều này là đương nhiên. Ngược lại quá trình tương giao tự nhiên của sự sống là vô điều kiện. 

Ví như nước nóng quá thì tự bốc hơi, hơi nóng tự bay lên cao, gặp lạnh thì tự đông lại thành nước rồi rơi xuống. Nước không muốn phải thế này hay thế kia, không cố ép mình phải nhất định là nước chứ không chịu bốc hơi. Sự tương giao giúp sự sống chuyển vận một cách hài hoà, giao thoa với nhau. Đoá hoa đẹp nở vào mùa xuân chính là nhờ sự trưởng thành và kết tụ lại từ mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông từng chút một. Nếu chỉ thích chọn mùa xuân mà loại ba mùa kia đi thì đã tự cô lập chính mình rồi! 

Đi trong rừng mà chỉ muốn tìm nghe tiếng chim hót thôi, thì không còn nhận ra được vẻ đẹp của bông hoa ven đường, của cành cây non mới lớn. Vì mải tìm kiếm, mình không biết mình đang bước đi như thế nào, thì có vấp ngã hay đạp nhằm gai là điều đương nhiên thôi. Vì quá muốn thiết lập mối quan hệ, vô tình đã làm mất sự hài hoà tự nhiên vốn có của sự sống. 

Vào một ngày nào đó, bản ngã với những ý đồ lăng xăng của nó bỗng nhiên dừng lại, tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, ngay đó cảm nhận được sự tương giao kỳ lạ của cuộc sống. Khoảnh khắc đó được gọi là "ngộ", khi cái trung tâm bản ngã biến mất, chỉ còn hoà nhập trong sự tương giao vô cùng của vạn pháp. 

Trong sự tương giao thì tất cả đều là bạn bè, từ con chó, cái cây, đám mây bay qua trên bầu trời,… Còn khi tôi muốn kết bạn với anh thì ngay đó sự cô lập bắt đầu. Không có mối quan hệ nào thực sự đưa đến hài hoà cả, vì ngay trong mối quan hệ đã tiềm ẩn sự phân cách mất rồi. Đó là quá trình rất rõ ràng mà mỗi người có thể chiêm nghiệm. Vì vậy mình không cần thiền mà chỉ lắng nghe, trải nghiệm, chiêm nghiệm để nhận ra sự tương giao của vạn pháp chứ không phải đi tìm các mối quan hệ mới. 

Chúng ta sinh ra cùng sự tương giao với vạn pháp. Em bé mới sinh bắt đầu tiếp xúc với không khí xung quanh, bắt đầu thấy được, nghe được... Trong quá trình mắt thấy, tai nghe ấy bắt đầu nảy sinh ý thích âm thanh này, ghét âm thanh kia, thích màu sắc này, không thích màu sắc nọ. Từ đó bắt đầu nảy sinh sự cố chấp: “tôi chỉ thích cái này thôi, tôi nhất định phải có được cái này”. Rồi thêm một bước nữa là loại bỏ những gì mình không thích, lấy về những gì mình thích. Chính chúng ta đã cắt vụn cuộc đời ra thành những mảnh nhỏ. Bây giờ cuộc đời không còn là sự tương giao nữa, chỉ còn sự phân chia manh mún. 

Cuộc đời luôn có 2 mặt. Thật kỳ lạ nếu chúng ta lựa chọn cái mình thích thì phải lấy luôn cái mình không thích. Nếu chúng ta loại bỏ cái mình không thích thì cũng phải bỏ luôn cái mình thích. Cuộc đời này vốn không dừng lại ở một chỗ nào cả, nhưng chúng ta lại muốn nó dừng lại ở những cái mình thích. Chúng ta muốn ngăn chặn nó lại để được yên tĩnh, để được hạnh phúc. Có biết đâu những ý đồ ấy vô tình chỉ khiến mình ngày càng bị cô lập giữa cuộc đời mà chuốc lấy khổ đau. 

Khi chúng ta muốn được hoàn toàn yên tĩnh liền tự giam mình vào trong phòng kín. Có biết đâu chúng ta không thể cách ly với cuộc đời bằng cách che chắn bên ngoài, vì cuộc đời đã để lại dấu ấn sâu trong tâm trí mình rồi. Những gì mình ghét, những gì mình thích đã chôn sâu vào tiềm thức. Có ngồi một mình trong phòng kín thì tâm vẫn lăng xăng, ồn ào vậy thôi. Sự yên tĩnh thực sự của tâm hồn không phải cố dừng lại mà có, cũng không phải lấy yên tĩnh đối nghịch với sự ồn ào. Đó là sự yên tĩnh tự nhiên xuất hiện khi tâm không còn nắm giữ, cũng không chống lại những gì đang xảy ra, vì nó tương giao trọn vẹn với tất cả. 

Thiền không phải để tìm tòi và đạt được một trạng thái mình ưa thích mà là thái độ có thể định tĩnh sáng suốt trong bất kỳ trạng huống nào. Nếu cố giữ tâm chỉ ở trong trạng thái ưa thích thì nó sẽ chống đối những trạng thái còn lại. Cuộc sống luôn ở trong sự tương giao hài hoà tự nhiên bao gồm cả thân-tâm-cảnh, nó không hề có ý định chống đối chúng ta. Chỉ có cái Ta (ngã) luôn muốn lựa chọn cái nó thích đồng thời muốn loại bỏ những cái nó không thích, tạo ra thế mâu thuẫn đối kháng giữa hai ý muốn của chính nó mà thành ra đau khổ. 

Những mục đích chúng ta theo đuổi chỉ là ảo tưởng do mình đưa ra. Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn khi mình đạt được mục đích thì hạnh phúc này thật mong manh. Vì khi thoả mãn hết rồi thì chỉ còn lại bất mãn và mục đích khác lại xuất hiện. Nếu đạt được mục đích là hạnh phúc thì mình đang ở nơi đau khổ, do tâm không hài lòng với những gì đang diễn ra mà không ngừng theo đuổi những mục đích chưa tới. 

Chúng ta quá đặt nặng mục đích để đạt đến mà quên mất cái mục đích hiện thực đang có mặt ngay đây và bây giờ. Chúng ta không thể xây ngôi nhà hạnh phúc bằng những viên gạch đau khổ. Ngôi nhà hạnh phúc chỉ có thể xây từ những viên gạch hạnh phúc mà thôi. 

Thầy Viên Minh

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP © 2017 - Sống là hạnh phúc
Top